Hà Nội lúc này đã hết những đợt nắng nóng kéo dài hay những trưa hè bước ra đường thôi cũng thấy hầm hập. Thời tiết nhẹ nhàng, trong veo, tối ập xuống sẽ hơi lạnh. Trời vừa hửng nắng khi sáng sớm, đến trưa lại có thể mưa ào một cái như trút hết cái oi oi xuống mặt đất. Đi ra đường không phải lo che chắn nhiều như tầm giữa tháng 6, tháng 7 nữa, vậy nên tâm trạng cũng phấn chấn hơn.
Nhiều người yêu mùa thu chỉ đơn giản là vì thứ tiết trời nhẹ nhàng, vui vẻ ấy thôi. Người lại nhớ đôi ba món quà vặt của mùa thu, nào hồng, nào cốm. Nhưng Hà Nội vào thu, khi mà phố Hàng Mã bắt đầu lập loè màu đỏ đèn lồng, hay những tiếng trống kêu cạch cạch khó chịu bắt đầu nhiều dần, thì cũng là lúc người ta nhìn nhau nói: Lại một mùa Trung thu… Chắc chỉ duy nhất có Tết Trung thu là cái Tết có thể biến đám người lớn trở thành lũ trẻ con, dù chỉ bằng những ký ức của những ngày đã cũ.
Dù không “hoành tráng” và mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng bằng dịp Tết Nguyên đán nhưng Tết trung thu cũng đem đến cho người ta rất nhiều niềm vui, nhất là với trẻ nhỏ. Đó cũng chính là lý do vì sao vài ngày sát Rằm tháng tám, đi đến đâu ở Hà Nội, người ta cũng thấy không khí Trung thu thật rộn ràng.
Hòa chung vào không khí rộn ràng ấy, mỗi năm, vào dịp Tết Trung thu, Tân Minh tổ chức cho con em thiếu nhi của các cán bộ nhân viên đón tết vui vẻ cùng những phần quà ý nghĩa được gửi tới gia đình cán bộ, nhân viên trong công ty. Khi đêm về, dưới ánh trăng rằm, tiếng trống múa lân, múa sư tử hòa lẫn trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ rộn ràng khắp nơi nơi. Đường phố nhộn nhịp người qua lại, vui cười hớn hở. Dưới ánh đèn lung linh, các bạn nhỏ cùng nhau phá cỗ, người lớn ăn bánh, uống nước chè ngắm ánh trăng khuya.
Mỗi mùa Trung Thu đến lại để lại trong lòng người những dư vị không thể nào phai. Xã hội càng phát triển, con người càng bận rộn chạy theo những giá trị vật chất mà đôi khi lãng quên những giá trị tinh thần. Bởi vậy, Tết đến là dịp quý giá để con người xích lại gần nhau, trao cho nhau tình cảm. Và giữ được vẻ hân hoan, náo nức của cái Tết cũng chính là giữ được màu tươi trong bản sắc văn hóa của dân tộc.
Từ rất xa xưa đã có tục lệ, mùa xuân tế mặt trời, mùa thu tế mặt trăng. Tế xong, mọi người cùng thưởng thức bánh dưới trăng. Phong tục này cứ kéo dài. Ngày 15 là ngày giữa tháng 8, cũng là giữa mùa thu. Đó là ngày trăng tròn nhất trong cả năm. Trăng tròn là biểu tượng cho hạnh phúc tròn đầy, sự vun tròn của ước mong, là sự đoàn viên của các thành viên trong gia đình cũng như họ hàng và cộng đồng. Với trẻ em, được tung tăng chơi và ăn bánh, hoa quả dưới bầu trời của trăng sáng là một điều thú vị.
Tết Trung thu đã trở thành tập tục văn hóa của người Việt Nam trong mỗi làng, mỗi xóm, mỗi phường… Nó rất gắn bó với mỗi người Việt Nam ta. Chúng ta cần giữ gìn tập tục văn hóa này sao cho cả thế giới đều biết đến để Tết Trung thu ngày càng rực rỡ, không bị mai một theo thời gian.
Chúc toàn thể các anh chị em Tân Minh luôn thật nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc!
Chúc cho mọi người một mùa Trung thu ấm áp tình thân!